Vì sao dự kiến nhập gần trăm triệu tấn nhưng vẫn xin xuất khẩu than?


Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc phê duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV).
 
Trong kế hoạch phê duyệt, ngoài việc đáp ứng nhu cầu than cho các hộ sản xuất trong nước như điện, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất… thì cơ quan quản lý vốn đề cập tới nhu cầu xuất khẩu than chất lượng cao của TKV.
 
Theo cân đối cung cầu than giai đoạn 2017 - 2030 được Bộ Công Thương cân đối, báo cáo Thủ tướng, sản lượng than cục, than cám chất lượng cao trong nước không có nhu cầu sử dụng hoặc sử dụng không hết, còn dư trung bình là 2,1 triệu tấn/năm.
 
Đây là chủng loại than chất lượng được sản xuất ra đồng thời với các chủng loại than khác theo dây chuyền công nghệ. Tuy vậy, nhu cầu tiêu thụ than trong nước cho các loại than chất lượng cao đến năm 2030 không sử dụng hết, với mức bình quân 2,1 triệu tấn/năm.
 
Trong khi đó, việc tiếp tục cho phép xuất khẩu than sẽ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp. Cũng bởi 1 tấn than cục, than cám chất lượng cao xuất khẩu có giá trị tương đương 2 - 2,5 tấn than cám cho sản xuất điện, giúp TKV ổn định sản xuất kinh doanh, sử dụng hiệu quả tài nguyên sản xuất ra, tăng nộp ngân sách nhà nước.
 
Mặc dù xuất khẩu, nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam vẫn phải nhập khẩu than. Đặc biệt khi nhu cầu than tăng cao trong khu vực công nghiệp, trọng điểm là điện, luyện kim, xi măng. Lượng than sản xuất trong nước không đáp ứng đủ, nên cần thiết phải nhập khẩu.
 
Theo đó, trong tổng nhu cầu than của năm 2025 dự báo là gần 115 triệu tấn, thì trong nước chỉ sản xuất được trên 45,7 triệu tấn. Lượng xuất khẩu là 1,8 triệu tấn thì nhu cầu nhập khẩu tăng lên tới trên 71 triệu tấn. Đến năm 2030, lượng nhập khẩu là trên 90 triệu tấn, năm 2045 tăng lên hơn 95,5 triệu tấn.
 
Việc nhập khẩu than ngày càng gia tăng là diễn biến khác so với giai đoạn trước đây. Đơn cử, giai đoạn 2016 - 2020, tiêu thụ than nội địa tăng từ 35,3 triệu tấn năm 2016 lên 41,6 triệu tấn năm 2020, bình quân chiếm 96,8% tổng lượng than tiêu thụ của TKV.
 
Cơ cấu than xuất khẩu cũng giảm từ 17 triệu tấn năm 2011 xuống còn khoảng 800.000 - 1 triệu tấn cho giai đoạn này.
 
Như vậy, từ nay đến năm 2025 nhu cầu than không tăng cao như dự báo và tốc độ tăng trưởng không bằng các năm trước, song sẽ vượt khả năng sản xuất trong nước.
 
Do đó, Ủy ban Quản lý vốn cho rằng cần nhanh chóng xác định, hoạch định các giải pháp kỹ thuật để từng bước thực hiện chuyển đổi mô hình của TKV từ sản xuất than sang sản xuất - thương mại than.
 
Giai đoạn từ 2021 - 2025, tổng lượng than thương phẩm của TKV sản xuất là khoảng 200 triệu tấn, trên cơ sở tài nguyên, trữ lượng các mỏ được giao quản lý, khả năng sản xuất, dự báo nhu cầu thị trường.
PV
Chia sẻ bài viết: 

Tags: